top of page

[WRITING CHALLENGE] 3 vấn đề với Mạng xã hội (MXH)

1. Gieo giắt tư tưởng về một lối sống thích hưởng thụ hơn thích làm:

Cái này hồi trước mình cũng không để ý cho tới một hôm mình coi được một vlog* phân tích những lý do tại sao Thủ tướng lại đưa một đề xuất làm con dân vô cùng hoang mang đợt vừa rồi: Cưới, đẻ trước 30. Trong đó có một lý do: Hiện tại, dân số trong độ tuổi lao động của nước ta, thay vì nỗ lực cống hiến vì Tổ quốc, vì đất nước, vì đồng bào thì các bạn chọn lối sống hưởng thụ, thích ăn ngon mặc đẹp, thích đi đây đi đó hơn là thích làm việc, thích lao động. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển nền kinh tế nước nhà không chỉ ở thời điểm hiện tại mà còn để lại hệ quả tiêu cực lâu dài trong tương lai.

Một trong những lý do đưa tới vấn nạn này là: Sự phát triển mạnh mẽ của MXH khiến cho văn hóa hưởng thụ du nhập vào nước ta quá sớm và quá nhanh chóng. Bên cạnh quan điểm của anh chủ vlog, mình xin phép bổ sung thêm ý kiến cá nhân. Thông thường trên MXH, người ta lựa chọn đưa ra phần đẹp đẽ, sa hoa của cuộc sống hơn là thể hiện những khổ cực hằng ngày phải trải qua, mà trí não lại là một thứ dễ đánh lừa và dễ mồi nhử vô cùng.

Mình có đọc một nghiên cứu cho rằng chúng ta không tự đưa ra quyết định mà dựa vào những thứ được mồi nhử xung quanh để đưa ra quyết định. Vì vậy, thấy người khác sống an nhàn, thảnh thơi, hạnh phúc như vậy, lí nào lại không muốn cuộc sống của mình cũng được an nhàn, hạnh phúc, thảnh thơi như thế?!? Vì vậy, từ từ, lối sống hưởng thụ trở thành xu thế sống mới.

Chính mình cũng đang là “nạn nhân” của “hội chứng” này. Do vậy, dù cảm thấy khó khăn nhưng mình cũng ráng thử một tuần sẽ có một ngày không đụng tới mạng xã hội, sau đó tăng dần lên thành 2 ngày, 3 ngày một tuần. Hiện giờ, mình cảm thấy ổn hơn khá nhiều khi chính mình có thêm thời gian tập trung vào những gì mình thích, tập trung vào công việc của mình thay vì suốt ngày lên và xem thử thế giới ngoài kia đang ăn chơi như thế nào. Các bạn cũng có thể thử xem sao, ha.


2. Hạn chế khả năng giao tiếp và phản xạ giao tiếp:

Lại là mình, một nạn nhân nữa. Không biết các bạn sao chứ mình mà viết cap hay là viết cái gì trêu trọc bạn bè, cà khịa lẫn nhau, là não cứ phải nói là làm việc hết công suất. Cái một lần mình đi chơi với bạn mình và bị cúp điện, cái tụi mình bất đắc dĩ phải ngồi nói chuyện với nhau. Thế là… im lặng… im lặng và rất im lặng… Bầu không khí im lặng bao trùm tất cả mọi thứ. Thiệt đáng sợ! Không biết nên mở chuyện thế nào, bắt chuyện ra sao. Và những câu nói trở nên rất cụt lũn, không đầu không đuôi, khó tương tác, khó phản ứng, khó đáp trả lại. Lúc mà nhận ra cái sự kém nói chuyện này, mình cũng nỗ lực kêu gọi chị em ra gặp nhau nhiều hơn, tập trung kể chuyện và chia sẻ nhiều hơn cho bớt quên cách nói chuyện của loài người. Hoặc trong quá trình nói chuyện trên MXH mình cũng cố gắng giữ đúng Nét đẹp của Tiếng Việt để mình luôn cảm thấy câu chữ mình gãy gọn, đầy đủ ý, chứ không có đớp nhả, chớt chữ như hồi trước nói chuyện nữa.

Thêm vào đó, MXH cho người ta thời gian để suy nghĩ nên đối đáp như thế nào, cho người ta cơ hội để sửa lại những gì đã viết, vì thế tốc độ phản ứng lại với các vấn đề mình nghĩ là nó chậm hơn thường nhật rất nhiều. Ngoài ra, chúng ta còn có nhiều thứ hỗ trợ cho chúng ta thể hiện quan điểm như gifs, memes, emos,… nhưng khi nói chuyện trực tiếp, chúng ta không có nhiều phương tiện bên ngoài hỗ trợ thêm nên việc dựa dẫm, bị động hoặc sử dụng quá nhiều các loại phương tiệc hỗ trợ như vậy, một cách nào đó khiến chúng ta bị động trong những hoàn cảnh cần thể hiện một thái độ cụ thể nào đó.

Lần tiếp theo khi nhắn tin, bình luận hay đăng bài, thay vì sự dụng quá nhiều "hiệu ứng hỗ trợ" hãy thử dùng câu chữ để bộc lộ cảm xúc, thể hiện thái độ của bản thân xem sao. Việc này không chỉ giúp bạn dễ dàng nhận diện quan điểm, cảm xúc của chính mình mà còn luyện khả năng tư duy ngôn ngữ của chúng ta nữa đó.


3. Trở nên quá khích và có tư tưởng phản động/phản biện thái quá cho những vấn đề trong cuộc sống:

Mỗi ngày trên MXH đều tràn lan, đầy rẫy những tin tức, câu chuyện về người này người kia thế này thế kia và kèm theo đó là vô vàn những bình luận tích cực có, tiêu cực cũng có, khen có, chửi có. Chưa cần biết đúng sai, chưa cần biết ngọn ngành câu chuyện, chưa cần biết ai làm gì, ai không làm gì, chưa biết hoàn cảnh diễn ra thế nào, người ta cứ tự nhiên, thỏa thích bình luận, reacts cho sướng cái sự hiếu kì tại thời điểm đó vì suy cho cùng, ngoài đụng chạm trực tiếp vô những người có máu mặt, thì còn lại dù nói gì làm gì, chỉ cần cái acc clone thôi, rồi muốn làm gì làm, muốn nói gì nói, ai làm gì được. Vì thế vô tình chung cái nguồn năng lượng tiêu cực từ những lời lẽ và suy nghĩ “kém sang” đó ảnh hưởng tới bản thể của chúng ta ở ngoài đời thực. Nó khiến bạn mệt mỏi, dễ dàng tức tối, nhanh chóng phản ứng một cách thái quá. Cái này cũng một phần do chúng ta đang bị kém đi kỹ năng tương tác trực tiếp nữa đó. Chúng ta không biết nên cư xử như thế nào cho khéo léo lúc đó, cho đỡ ảnh hưởng người khác, cho đỡ làm mọi người tổn thương. Chúng ta vẫn quen đả kích, soi mói và "sunsee" mọi thứ xẹt ngang qua chúng ta mà không hay biết rằng, đây là đời thực, mọi thứ diễn ra đều là thực và để lại hậu họa lâu dài nếu chúng ta không cẩn trọng. Cũng chính điều này khiến chúng ta quên mất bản thân từng có những tình cảm đáng yêu, dễ thương nào đó trước khi MXH ảnh hưởng tới bạn nhiều như vậy. Bây giờ trong người chúng ta chỉ mang toàn là tức tối, giận dữ và những nguồn năng lượng tiêu cực khác từ những luồng ý kiến trên MXH thôi.

Nên nếu có thể hãy tỉnh táo trước mọi thông tin nhận được và hãy nhìn đời dù ảo dù thực bằng con mắt yêu thương và trái tim bao dung, bạn nhé!

5 views0 comments
Post: Blog2_Post
bottom of page