top of page

[CHUYỆN DIỀU] Buổi 2: Chữa lành đứa trẻ bên trong

Sau khoảng thời gian chuẩn bị tâm lí kĩ lưỡng các kiểu để cùng các em xông pha trận mạc thì mình đã được xếp một lớp khác, cùng với một em học sinh khác.

Bé học sinh mới của mình – mình sẽ gọi bé là Đậu – vì người bé cũng tròn tròn, xinh xinh giống hình dáng chung của một số loại Đậu – khá là dễ thương, ngoan ngoãn, hiền lành và biết nghe lời.

Vì bé tương đối “ổn định” hơn những bé khác nên mình đã suy nghĩ mãi: Vậy việc mình cần cùng bé hoàn thành là gì? Do, đối với mình, mọi sự gặp gỡ và gắn kết đều là cái duyên và đi kèm với đó là một bài học cần phải học, thế nên nếu cô trò đã có duyên học với nhau, mình tin chắc chắn phải có điều gì đó để mình cùng bé “hoàn thiện” lẫn nhau. Và ngày hôm nay, mình đã nhận ra điều đó…

Đậu tuy rất ngoan và cực kì biết nghe lời nhưng mà bé không có quá nhiều nhận thức và suy nghĩ về chính bản thân mình cùng thế giới xung quanh. Chính điều này đã cho mình thấy, thật ra cô trò mình có nhiều điểm chung: Mình cũng đã từng là một đứa trẻ tập lớn, phủ định mọi thứ xấu xa liên quan đến bản thân cho tới ngày không còn nhận ra chính mình nữa. Thế nên, hôm nay, khi gặp lại Đậu, mình đã dành thời gian tương đối nhiều để cô trò cùng học hành và tìm hiểu về nhau.

Mình đã đặt ra những câu hỏi sau, nó đã giúp mình nhìn nhận cảm xúc và phản ứng cá nhân để có thể kiểm soát được bản thân tốt hơn nên mình nghĩ, nó không chỉ là câu hỏi cho con nít mà còn là câu hỏi cho cả những “đứa trẻ tập lớn” nữa.

Câu 1: Khi con vui, con sẽ làm gì?

Đậu: Con không biết.

Sau đó mình đã liên tục phải đặt ra các câu hỏi gợi mở để bé có thể hình dung cụ thể khoảnh khắc mà bé cảm thấy vui. Cuối cùng cũng moi móc được một số thứ như: Bé thích chơi nặn đất sét, thích chơi lắp ráp hình, thích học Toán cùng cô Linh nữa ^ ^ Mừng hết sẩy.

Câu 2: Khi con buồn, con sẽ làm gì?

Đậu: Con không biết.

Cũng không ngạc nhiên lắm. Mình hiểu bé, những gì mà bé không thể hình dung ngay lập tức bé sẽ từ chối suy nghĩ. Nhưng mà không phải bé không có năng lực nghĩ ra mà chúng ta cần đổi câu hỏi để dễ hình dung hơn. Đến cuối chặng thì biết được bé sẽ buồn khi bị la hoặc chửi, sẽ có cái nhìn không tốt đối với những người hay la hoặc chửi mình.

Câu 3: Khi tức giận, con sẽ làm gì?

Đậu: “Như trên”.

Rồi cô trò lại đi vòng bùng binh tiếp. Đi một hồi thì biết bé không hay tức giận và cũng không có tỏ rõ thái độ khi tức giận.

Sau 3 câu liên quan đến cảm xúc, mình với suy nghĩ cơ bản cảm thấy tuy bé đã 13 tuổi nhưng mà sự nhận thức về cảm xúc cá nhân của bé vẫn chưa rõ. Nhưng không sao, rất may vì vẫn còn biết bé thích cái gì, không thích cái gì.

Câu 4: Trong lớp, con quý ai nhất?

Đậu: Con không biết.

Thế là cô trò đi hết danh sách lớp luôn thì cũng tìm ra được một bạn. Cái mình biết là bé thích ngồi chơi một mình, không thích ồn ào, nhưng mà con nít ấy, vẫn thích có người ở bên cạnh. Nên là bé đã chọn ngay một bạn khá hiền, thích tập trung chơi đồ chơi của mình hơn là tranh giành, quậy phá hoặc chạy loanh quanh trong lớp.

Câu 5: Trong lớp, con không thích ai nhất?

Đậu: Con không biết.

Như trên. Tức là nhờ hai câu mà khoanh vùng được một số đối tượng bé không có muốn chơi chung vì đặc điểm tính cách.

...

Sau cuộc nói chuyện đi vòng bùng binh ba bốn đợt với bé, mình có dặn bé về nhà hãy quan sát ít nhất 5 người để xem lúc họ vui họ như thế nào, lúc họ buồn họ như thế nào và chia sẻ lại với mình. Mình cũng có giải thích cho bé hiểu tại sao chúng ta nên có sự quan sát như vậy để nếu mình biết người ta khó chịu khi bị la hoặc bị chửi thì mình sẽ không nói nặng lời làm tổn thương người khác.

Và mặc dù bé không nhận ra nhiều loại cảm xúc hoặc phản ứng cá nhân cho từng loại cảm xúc nhưng bé biết rõ mình yêu quý ai và không yêu quý ai. Đây là một đặc điểm khá hay ho bởi vì có nhiều người lớn ấy, họ cũng không rõ cái điều này nữa.

...

Nay mình cũng tự hỏi chính mình những câu hỏi này và tự nhiên tối đó mình thấy mình kiềm chế cơn giận giỏi hơn trước rất nhiều do mình biết là bản thân sẽ phản ứng thế nào khi giận, mình không làm mọi thứ theo bản năng như trước nữa. Và mình nghĩ là nếu có thời gian, chúng ta cũng nên tự nhìn nhận lại chính mình từ những cảm xúc hay những điều đơn giản nhất.

...

Bữa sau mình sẽ tiếp tục cuộc hành trình khám phá bé Đậu của mình. Để một ngày bé lớn thành cây Đậu xanh tươi, khỏe khoắn, mình sẽ ngồi ngắm trong yên vui và hạnh phúc ^ ^.

10 views1 comment
Post: Blog2_Post
bottom of page