top of page

[NHẬT KÝ NUÔI MÍT] Giai đoạn 1: Chuẩn bị tác chiến

Updated: Jun 8, 2020

Sáng nay bên khu phố mình có nhờ các anh chị bác sĩ thú ý đến chích ngừa cho các chú chó trong khu phố nên mình cũng tranh thủ viết vài dòng chia sẻ về đứa con trai ngốc nghếch của mình chứ để vài bữa lu bu công việc các kiểu lại quên.

Rồi, mình bắt đầu khởi động tí đi nhỉ.

Bạn muốn nuôi một chú cún (xin phép mình chỉ tập trung vào việc nuôi cún thôi nhé, cơ bản là mình cũng chỉ có kinh nghiệm nuôi cún, bên cạnh đó, chó và mèo có những đặc tính riêng nên yêu cầu cũng sẽ có đôi chút khác nhau, vì vậy, mình sẽ hạn chế không gộp chung thành "thú cưng" để mọi người không bị nhầm lẫn). Thông thường sẽ có hai hình thức để bạn có cho mình một đứa "nhóc" kháu khỉnh: 1. Đi mua :) 2. Nhận nuôi từ một Tổ chức cứu hộ động vật hoặc từ họ hàng, người quen.

Ở đây, mình sẽ chia sẻ kinh nghiệm cho trường hợp thứ 2 và cụ thể là nhận nuôi từ một Tổ chức cứu hộ động vật vì: 1. Những chú cún được cứu về thông thường sẽ đang ở trong tình trạng: Đi lạc, bị lạc, bị bỏ rơi, bị bệnh, bị thương tích, đang bị đuổi đánh, chém giết,... Vì vậy khác với những chú cún vốn có cuộc sống yên bình từ khi mới đẻ cho tới khi trao về tay bạn, những chú cún được cứu về ít nhiều đều đã chịu những ảnh hưởng xấu đến tâm lý vô cùng lớn khiến chúng có nhiều phản ứng cực đoan với con người như vô cùng hung dữ hoặc sợ hãi tột độ khi có người tới gần. Cũng bởi vậy cách chúng ta tiếp cận, yêu thương và chăm sóc chúng cũng khó khăn hơn rất nhiều so với những chú cún có trạng thái tâm lý bình thường khác.

Đấy, bối cảnh là vậy, nói qua cũng thấy gian truân đủ đường rồi ha? Bởi vậy, sẽ dễ chịu hơn rất nhiều nếu chúng ta có sự chuẩn bị trước:

1. Về tâm lý:

Nhìn mọi người nuôi cún thì thấy vui vẻ, thoải mái, dễ chịu vậy chứ thật ra việc nuôi bất kì một con vật nào, hay chỉ là chăm sóc một cái cây để nó sống và phát triển chưa bao giờ là chuyện đơn giản hết. Cứ nói thế này cho dễ hiểu: Bạn nhận nuôi một chú cún là bạn đang tự gán vào cuộc đời mình một cuộc đời khác và bạn phải chịu trách nhiệm cho điều đó. Vì thế, đã nói đến chịu trách nhiệm thì có bao giờ là đơn giản đâu nhỉ? Cún khỏe mạnh, vui vẻ thì không có gì, nhưng nếu cún ốm đau, bệnh tật thì bạn sẽ là người phải giải quyết, chăm lo, chữa trị, quan tâm đến các bé. Đừng bao giờ cho mình cái suy nghĩ trong đầu rằng: Nếu chịu không nổi có thể bỏ bé đi hoặc giao bé cho bất kì một người khác. Bởi bạn không biết rằng, cún là một loại động vật nhiều tình cảm, chúng đã một lần chịu tổn thương, khổ sở để đến với bạn, vậy mà một lần nữa người chúng vô cùng yêu thương lại từ bỏ chúng. Bạn nghĩ xem, có tàn nhẫn không cơ chứ? Thế nên, một khi đã em về, giống như đẻ con vậy, dù thế nào cũng ráng đi tới cuối đời, dù sao em nó cũng không ở với ta tới chết, bé sẽ ra đi trước chúng ta, nhiều khi cún bạn nhận về còn lớn tuổi và đã tương đối già nữa thì mình càng mong các bạn hãy cố gắng rằng, cho các em khoảng thời gian còn lại tuyệt vời nhất. Cho đi là nhận lại, các bạn sẽ thấy một ngày, chú cún ngày xưa gầy gò, hom hem, trụi lông, mọc ghẻ, nay béo ục ịch, lông xù tinh thơm, miệng cười, mắt long lanh nhìn bạn hạnh phúc, lúc đó, bạn sẽ hiểu, mọi sự chúng ta bỏ ra đều là không phí.


2. Về cơ sở vật chất và khả năng tài chính:

Không cần nói chắc các bạn cũng biết, chó là loài động vật thích bay nhảy, tung tăng, vui đùa, nghịch phá, vì thế bạn cần có không gian cho chú cún của mình được sống thoải mái hơn tí. Không yêu cầu sân vườn cò bay thẳng cánh, cũng không nhất thiết phải là villa, biệt thự nhưng phải chắc rằng chú cún của bạn có đủ không gian để nằm, để lăn lê, trườn bò và nếu chú cún có tiểu tiện bừa bãi những ngày đầu thì sau khi dọn xong nó cũng không quá ảnh hưởng đến bạn. Chứ đừng tự gò bó chính bạn và những chú cún tội nghiệp, chúng xuất hiện để khiến cuộc sống của chúng ta vui vẻ, hạnh phúc hơn chứ không phải làm cho chúng ta khổ sở vì thế nếu hiện tại bạn chưa có khả năng, vẫn đang sống trong một môi trường chật hẹp, bản thân bạn ra vào cũng khó, không gian hơi kín và bí bức nên không thoát mùi thì tốt nhất hãy để em cún cho một người khác tốt hơn. Bạn cứ nghĩ, không sao đâu rồi bạn sẽ thu xếp, nhưng đến lúc chú cún ấy ị bậy, đến lúc chú cún ấy phát mùi vì cơ thể bị bệnh thì bạn mới thật sự cảm thấy chuỗi ngày này sao khó khăn quá và chả có ai muốn một ngày dài mệt mỏi, vác thân về nhà lại phải ngửi thấy mùi hôi hám, khó chịu trong phòng. Cún có thể nằm đợi bạn đằng sau cánh cửa ấy, nhưng bạn có đủ khoan dung và tình yêu thương để chấp nhận những hạn chế của các bé không?

Ngoài ra hàng xóm cũng là một vấn đề cần lưu tâm nhé, xem xét thử khu phố mình ở, khu vực xung quanh mình sống có khoan nhượng với chó mèo hay không, chứ đừng để mang về xong ngày nào chú cún của bạn cũng bị rượt đánh, tội lắm. Ngoài ra, trong nhà bạn có thì tốt mà không thì càng phải lưu tâm xem thử chú cún của bạn sẽ đi vệ sinh ở đâu, có ảnh hưởng gì tới những người xung quanh không nhé!

Tài chính cũng là một vấn đề quan trọng, rất quan trọng ấy. Cún mang về sẽ cần chi phí để:

- Chữa bệnh;

- Chích ngừa;

- Cạo lông, cắt móng, làm spa cho sạch sẽ;

- Chích các loại thuốc phòng bệnh khác như ngừa giun, sán hay bọ chét;

- Thuốc khử mùi, thuốc khử trùng;

- Tô ăn;

- Đồ ăn (Hạt cho chó, pate, bánh gặm,...)

- Đồ chơi;

- Chỗ nằm;

- Túi xách (Cho những khi bạn cần mang chú cún của mình đi khám hoặc đi làm spa hoặc gửi nhờ bạn bè mấy ngày bạn đi vắng);

- Quần áo (Nếu cần);

- Sữa tắm chuyên dùng cho chó mèo.

-...

Quá trời thứ, mình phải list ra thành gạch đầu dòng để các bạn tự thấy, nuôi một chú cún phải bỏ ra nhiều tiền cho các khoản cần thiết như thế nào. Đó là đầu tư cho giai đoạn đầu, về sau có những chi phí bạn vẫn phải tiếp tục duy trì như đồ ăn, thuốc thang, bình xịt trùng,... để bạn và em nhỏ có cuộc sống healthy và balance. Bởi, nếu hiện tại chính bản còn không sống đủ thì thôi tốt nhất bạn tạm thời đừng nghĩ đến việc nhận nuôi. Tính toán trước khả năng chi trả và đáp ứng các nhu cầu tối thiểu của bé là một bước chuẩn bị vô cùng cần thiết và thông minh đó.


3. Sức khỏe cá nhân:

Chú cún của bạn chắc chắn sẽ không vui vẻ gì nếu thấy bạn tự nhiên đổ bệnh vì nuôi chú. Tất nhiên rồi, thế nên, hãy xem xét sức khỏe bản thân có phù hợp để nhận nuôi cún hay không. Bạn có bị mắc những bệnh về hệ hô hấp, viêm da dị ứng với lông chó mèo,... hay không? Dù sao bản thân bạn khỏe mạnh, vững vàng thì mới có thể lo lắng, chăm sóc cho một mảnh đời khác được chứ, đúng không?

Mình không khuyến khích các bạn bất chấp nhận nuôi khi bản thân không khỏe, bạn nghĩ thuốc thang có thể hỗ trợ bạn nhưng nếu chính bạn còn cảm thấy không ổn, sao bạn có thể tận tâm, tận tình lo cho em nó đây? Và bạn có uống thuốc cả mấy chục năm để theo em nó được không? Cái gì thì gì, làm việc tốt cũng vậy, trước nhất vẫn là chính mình phải lo ổn thỏa đã, rồi muốn làm gì thì làm. Được chứ ha!


Trên đây là 3 lưu ý của mình cho các bạn chuẩn bị quyết định sẽ đón về căn nhà mình một sinh lý bẻ bóng, dễ thương nào đó. Mình sẽ quay lại với các giai đoạn tiếp theo trong thời gian tới. Cảm ơn các bạn rất nhiều, nếu có bất kì chia sẻ nào hay ý kiến đóng góp gì thêm cho chuỗi bài yêu thương thú cưng này thì các bạn cứ bình luận ở dưới nhé! Chúc mọi người một ngày mới tràn đầy năng lượng và niềm vuii!.


Comments


Post: Blog2_Post

Subscribe Form

Thanks for submitting!

©2019 by Khánh Linh. Proudly created with Wix.com

bottom of page